Sân bay Nội bài
Tên tiếng Anh: NoiBai International Airport (NIA)
Địa chỉ: Cảng HKQT Nội Bài, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội
Điện thoại: (04) 3886 5047
Fax: (04) 3886 5540;
Website: noibaiairport.vn
E-mail: noibaioffice@vietnamairport.vn
SITA: QQXH
Mã cảng hàng không (code): HAN
Đường hạ cất cánh (Runway): 02 đường cất hạ cánh: 11L/29R (1A) dài 3.200m, rộng 45m và 11R/29L (1B): dài 3.800m, rộng 45m
Sân đỗ tàu bay (Apron): Sân đỗ tàu bay T1: rộng khoảng 230.000m2 có 23 vị trí đỗ; Sân đỗ tàu bay T2: rộng khoảng 280.000m2 có 24 vị trí đỗ
Cấp sân bay: 4E
Là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự
Nhà ga hành khách: Nhà ga hành khách quốc nội (Nhà ga T1): 115.000m2, công suất 15 triệu hành khách/năm. Nhà ga hành khách quốc tế (Nhà ga T2): 139.216m2, công suất thiết kế 10 triệu hành khách/năm
Giờ phục vụ: 24/24
Toạ độ điểm qui chiếu sân bay là giao điểm của đường lăn N3 và trục tim đường cất hạ cánh 11L/29R có toạ độ 21º13’17”.57N – 105º48’19”.70E.
Mức cao của điểm quy chiếu Cảng HKQT Nội Bài so với mực nước biển trung bình là 12,3m.
Ngày nay nhờ sự phát triển của hệ thống vé điện tử Toancau Airlines bán vé máy bay đi Hà Nội qua điện thoại 0856 256 256 và Tổng đài 1900 1812 thay vì mở đại lý vé máy bay tại Hà Nội .
1.Tổng quan:
Được xây dựng từ một sân bay bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài đã thay đổi toàn diện để trở thành một cảng hàng không hiện đại, là cửa ngõ giao thương quốc tế đặc biệt quan trọng của thủ đô Hà Nội với các nền kinh tế trên thế giới, trở thành sân bay đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO với 02 đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường tiêu chuẩn CAT II, đường lăn, sân đỗ đủ năng lực tiếp thu các loại máy bay thân lớn, hiện đại như Airbus A380, Boing 787… trong điều kiện tầm nhìn hạn chế.
Ngoài điều kiện khí hậu khá ôn hòa, có nhiều danh lam, thắng cảnh và các điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch tại các khu vực lân cận, Cảng HKQT Nội Bài có rất nhiều tiềm năng để xây dựng, phát triển để trở thành một thương cảng, một trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới.
Nằm trong địa giới hành chính thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Cảng HKQT Nội Bài cách trung tâm thành phố khoảng 28km (35-40 phút đi ô tô) về phía Bắc đi theo hướng cầu Nhật Tân – đường Võ Nguyên Giáp, hoặc đi theo hướng cầu Thăng Long – đường Võ Văn Kiệt, hướng theo quốc lộ 3 dẫn từ cầu Chương Dương đến ngã 3 giao cắt với quốc lộ 2 để vào sân bay…
Ngoài ra, Cảng HKQT Nội Bài còn là đầu mối giao thông qua trọng kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc qua đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đi qua địa bàn 5 tỉnh thành là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu của Trung Quốc và là một phần của tuyến đường xuyên Á AH14); quốc lộ 18A từ Nội Bài đi các tỉnh Đông Bắc (đi qua 4 tỉnh thành là: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh).
2.Cơ sở hạ tầng:
Là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, trong đó khu vực dân sự nằm ở phía Nam và khu vực quân sự nằm ở phía Bắc của đường cất hạ cánh, Cảng HKQT Nội Bài được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, hoạt động 24/24 giờ.
Cảng HKQT Nội Bài có 02 đường CHC song song là 11L/29R và 11R/29L; tim cách nhau 250m, không sử dụng cho việc cất hạ cánh cùng một thời điểm. Đường cất hạ cánh 11L/29R: Chiều dài: 3.200m; Chiều rộng: 45m. Đường cất hạ cánh 11R/29L: Chiều dài: 3.800m; Chiều rộng: 45m
Đường lăn: Cảng HKQT Nội Bài có hai hệ thống đường lăn nằm ở hai bên sườn của đường cất hạ cánh 11L/29R (phía Bắc) và 11R/29L (phía Nam). Trong đó hệ thống đường lăn phía Bắc đường CHC 11L/29R (dùng cho quân sự) ; Hệ thống đường lăn phía Nam đường CHC 11L/29R (dùng cho hàng không dân dụng).
Sân đỗ tàu bay: Cảng HKQT Nội Bài hiện đang khai thác thường lệ 47 vị trí đỗ tàu bay tại 02 khu vực là Sân đỗ tàu bay T1 và Sân đỗ tàu bay T2. Ngoài các vị trí đỗ tàu bay tại 02 khu vực nói trên, tại Cảng HKQT Nội Bài còn có các vị trí đỗ dành cho tàu bay bảo dưỡng, sửa chữa (sân đỗ máy bay VAECO) và sân đỗ cách ly nằm ở khu vực phía Bắc (giáp với khu quân sự) được sử dụng đối với các loại tàu bay có tình huống đặc biệt (tàu bay có thông tin về chất nổ, tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp).
3.Nhà ga hành khách quốc nội (Nhà ga T1):
Nhà ga hành khách T1 được đưa vào hoạt động từ tháng 10 năm 2001 với thiết kế ban đầu gồm 04 khu vực: Sảnh A, Sảnh B, Sảnh C, Sảnh D với tổng diện tích mặt bằng 90.000 m2. Cuối năm 2013, sảnh E (phần mở rộng của nhà ga hành khách T1) được đưa vào sử dụng, nâng tổng diện tích mặt bằng lên 115.000 m2. Công suất của nhà ga T1 và T1 mở rộng là 15 triệu hành khách/năm.
Kể từ ngày 31/12/2014, Nhà ga hành khách T1 chỉ phục vụ các chuyến bay nội địa (toàn bộ các chuyến bay quốc tế được chuyển sang khai thác tại Nhà ga hành khách T2).
4.Nhà ga hành khách quốc tế (Nhà ga T2):
Nhà ga hành khách T2 được đưa vào khai thác chính thức từ ngày 25/12/2014. Nhà ga được thiết kế 4 tầng (không kể tầng hầm) theo mô hình dạng cánh với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng với chiều dài 980 m, chiều cao 29 m, tổng diện tích mặt bằng 139.216 m2, công suất phục vụ 10 triệu hành khách/năm.
Nhà ga được thiết kế theo tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tầng 1: Dành cho hành khách đến quốc tế, diện tích 40.832,60m². Hai bên cánh gồm khu vực văn phòng và khu vực kỹ thuật nhà ga; Khu vực trung tâm gồm khu vực miễn thuế đến, khu vực sảnh đón khách quốc tế đến, khu vực trả hành lý khách đến, khu vực đảo hành lý khách đi, kho hành lý thất lạc, phòng kỹ thuật, khu vực đợi ra xe bus, khu vực dịch vụ, phòng nhân viên, các khu vệ sinh, giao thông, các quầy thông tin, quầy vé, các cửa hàng.
Tầng 2: Dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế, diện tích 36.928,90m². Hai bên cánh gồm khu vực văn phòng ở phía Nam, khu vực cách ly ở phía Bắc; Khu vực trung tâm gồm khu làm thủ tục nối chuyến quốc tế, khu làm thủ tục nhập cảnh, khu vực công cộng bao gồm các nhà hàng, các cửa hàng…
Tầng 3: Dành cho hành khách đi quốc tế, diện tích 36.928,90m². Hai bên cánh gồm khu vực phòng chờ cách ly quốc tế đi ; Khu vực trung tâm gồm khu vực thương mại dịch vụ, khu vực làm thủ tục check-in, kiểm tra an ninh, hải quan, xuất cảnh…
Tầng 4: Phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại, diện tích 11.164,40m². Khu vực văn phòng, các phòng VIP và khu vực thương mại dịch vụ.
Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).
Vận chuyển hành khách nối chuyến giữa Nhà ga hành khách quốc nội với Nhà ga hành khách quốc tế (T1 với T2 và ngược lại)
Hành khách nối chuyến được miễn phí sử dụng xe buýt (shuttle bus) để di chuyển giữa hai nhà ga, thời gian hoạt động của xe buýt từ 06h00 đến 24h00 (giờ địa phương) với tần suất từ 10 đến 15 phút/01 lượt xe. Ngoài ra, còn có các loại hình vận tải khác (xe điện, xe buýt công cộng).
5.Nhà khách VIP A:
Nhà khách VIP A được đưa vào khai thác kể từ tháng 1/2015, cùng thời điểm với Nhà ga hành khách T2. Nhà khách có chức năng tiếp đón các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước cũng như các đoàn lãnh đạo cao cấp của các nước trên thế giới đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế. Ngoài ra, nhà khách cũng là nơi đáp ứng nhu cầu tiếp đón khách của các tổ chức xã hội, tập đoàn kinh doanh cao cấp quốc tế khi qua Cảng HKQT Nội Bài.
Nhà khách VIP A có diện tích mặt bằng 3.100m2 với kiến trúc nhà vườn hình lá sen, phần mái của nhà khách được cách điệu như một cánh sen lớn.
Nhà khách gồm các phòng:
– 01 phòng hội đàm khánh tiết: 427m2
– 02 phòng khách cấp nguyên thủ: 142m2
– 02 phòng khách cấp bộ trưởng: 66m2
– 02 phòng khách cao cấp: 48m2
– 01 phòng họp báo: 55m2
Nhà khách VIP A: phía Tây giáp với Nhà ga hành khách T2, phía Đông giáp với Nhà ga hành khách T1, phía Bắc giáp với sân đỗ tàu bay, phía Nam là đường trục nội cảng. Nhà khách nằm biệt lập với các công trình xung quanh để đảm bảo tính riêng biệt và an ninh tuyệt đối. Sảnh tiếp đón, phòng khánh tiết và các phòng nguyên thủ được bố trí trang trọng ở khu vực trung tâm của nhà khách, các phòng VIP khác, phòng cho đoàn tùy tùng và các phòng chức năng được bố trí xung quanh các phòng chính và tách biệt với khu vực trung tâm.
6.Nhà ga hàng hóa Nội Bài:
Nhà ga hàng hóa Cảng HKQT Nội Bài có tổng diện tích 44.000m2, công suất phục vụ theo thiết kế là 203.000 tấn hàng hóa/năm. Những năm gần đây, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng trưởng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm.
Hiện tại có nhiều hãng chuyên chở hàng hóa lớn, thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng hóa tại Cảng HKQT Nội Bài như: Cargolux, FedEx, Emirates Cargo, Korean Air Cargo, China Airlines Cargo…
7.Hoạt động hàng không:
Hiện nay, tại Cảng HKQT Nội Bài có 32 hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác thường xuyên đến 15 tỉnh, thành phố trong nước và 34 vùng lãnh thổ, thành phố trên thế giới.
Sản lượng tàu bay cất hạ cánh, hành khách, hàng hóa và bưu kiện thông qua Cảng HKQT Nội Bài tăng rất nhanh, trung bình 10 – 15% /năm. Năm 2014, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phục vụ 14.190.675 lượt hành khách, tăng 10,6% so với năm 2013; tổng lượng hàng hóa – bưu kiện vận chuyển đạt 405.407 tấn, tăng 16,4%; phục vụ 100.864 lượt chuyến cất hạ cánh, tăng 12,3%.
8.Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài:
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, định hướng sau năm 2020 sẽ xây dựng Cảng HKQT Nội Bài thành sân bay cấp 4F theo tiêu chuẩn của ICAO, xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3 có khả năng tiếp cận hạ cánh chính xác CAT – 3 với khả năng tiếp nhận 45 máy bay đến cấp F vào giờ cao điểm; nhà ga hành khách T3, T4 nâng tổng công suất lên 50 triệu lượt hành khách/năm, mở rộng nhà ga hàng hóa đạt công suất 500.000 tấn/năm.